CÁC THÍ NGHIỆM VỀ THỰC VẬT

Mỗi em bé đều mang trong mình niềm yêu thích khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Chính vì vậy ba mẹ hãy đồng hành cùng cô giáo hướng dẫn các bạn nhỏ những thí nghiệm nhỏ ngay tại nhà để con được học hỏi và tăng niềm yêu thích với khoa học ba mẹ nhé.

Với hoạt động học tập của dự án “Cánh đồng con”, cô giáo Lá Phong Xanh gửi đến ba mẹ một vài thí nghiệm với thực vật mà ba mẹ và bé có thể cùng thực hiện tại nhà, ba mẹ tham khảo nhé.

  • Cây xanh cần gì để phát triển?

Chuẩn bị:

  • Bốn chậu trồng cây nhỏ đánh số từ 1 đến 4
  • Đất trồng cây, nước
  • 1 hộp các tông to hơn chậu trồng cây
  • Giấy báo xé vụn
  • Hạt giống

Thực hiện:

  • Đặt các chậu trồng cây lên bệ cửa sổ, dán giấy có số thứ tự 1,2,3,4. Sau đó đổ đất vào các chậu 1,2,3; chậu 4 bỏ giấy báo vò nát hoặc xé vụn vào
  • Cho hạt giống vào cả 4 chậu rồi dùng thìa tưới vài thìa nước (vừa đủ ẩm) vào lọ 2,3,4.
  • Úp hộp nhựa kín lên chậu số 2.
  • Hàng ngày, cho trẻ tưới nước vào chậu 2,3,4. Chậu 2 tưới xong phải đậy ngay.
  • Cho trẻ quan sát hàng tuần (khi phát hiện thấy hiện tượng rõ nét), khuyến khích trẻ phán đoán kết quả, ghi kết quả vào mô hình.

Hỏi trẻ kết quả tri giác:

  • Các cây trong chậu đã thay đổi như thế nào?
  • Đâu là rễ? Đâu là lá? Đâu là thân cây? Vi sao con biết? Nó có đặc điểm gì?
  • Sự khác nhau giữa các cây ở 4 chậu?

Kết quả:

  • Chậu 1: hạt không nảy mầm
  • Chậu 2: nảy mầm, dài nhanh, cây gầy yếu, trắng nhợt, chết dần.
  • Chậu 3: hạt nảy mầm, cây lớn lên khỏe mạnh, xanh đậm, mập mạp.
  • Chậu 4: hạt nảy mầm, cây yếu, chết dần.

Giải thích:

  • Chậu 1: Tuy có đất, không khí, nhiệt độ bình thường nhưng không có nước nên hạt không nảy mầm, không thành cây.
  • Chậu 2: Tuy có đất, nước, nhiệt độ bình thường nhưng vì thiếu ánh sáng nên cây đỗ yếu ớt, nhợt nhạt.
  • Chậu 3: Có đủ đất, nước, không khí, nhiệt độ, ánh sáng nên cây khoẻ.
  • Chậu 4: Có đủ nước, không khí, nhiệt độ, ánh sáng nhưng không có đất, giấy vụn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên cây yếu, chết nhanh.

Kết luận: Cây cần có đất giàu dinh dưỡng (từ đất), nước, không khí, ánh sáng… để phát triển lớn mạnh.

  • Cây xanh phát triển như thế nào?

Chuẩn bị:

  • Hạt đỗ xanh
  • Hạt đỗ xanh đã nảy mầm
  • Cây đỗ xanh non
  • Cây đỗ xanh trưởng thành
  • Ba mẹ cũng có thể chuẩn bị các loại hạt khác tương tự nếu không có đỗ xanh

Thực hiện:

  • Để có cây đỗ xanh non ba mẹ hãy dùng hạt đậu xanh ngâm nước 8 đến 12 tiếng. Sau đó gieo hạt xuống đất và hằng ngày tưới nước cho cây. Sau 3 ngày mầm sẽ dài khoảng 3cm đến 7 cm.
  • Để có cây đỗ xanh non ba mẹ chỉ cần trồng mầm đậu xanh trong 1 tuần đến 10 ngày (trồng trước khi làm mầm đỗ khoảng 7 – 10 ngày) cây đậu xanh tương đối dễ chăm sóc ba mẹ chỉ cần để ở nơi có ánh sáng, hằng ngày tưới đủ nước cho cây.
  • Đối với cây đậu trưởng thành ba mẹ có thể cho bé xem ảnh (video) hoặc nếu có thể ba mẹ hãy trồng cây trước khoảng 15 ngày đến 1 tháng.
  • Cuối cùng là cùng bé quan sát sự khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của cây đậu

Hỏi trẻ kết quả tri giác:

  • Các cây đậu trong chậu khác nhau như thế nào?
  • Quá trình nảy mầm, lớn lên của cây như thế nào?

Bài học sau thí nghiệm:

Quan sát quá trình thí nghiệm, bé sẽ biết được 1 cây cần trưởng thành phát triển sẽ trải qua những giai đoạn nảy mầm, mầm bắt đầu có những chiếc lá đầu tiên, rễ ăn sâu xuống đất, cây lấy chất dinh dưỡng từ đất và lớn lên.

Yếu tố cần thiết trong quá trình phát triển của cây: Đất, nước, ánh mặt trời, khí Oxi, sự chăm sóc,…

Các hoạt động thực nghiệm giúp các bé phát huy được tính tò mò, thích khám phá thế giới thực vật xung quanh. Từ đó cùng hình thành cho bé một số kỹ năng, thao tác thử nghiệm trong góc khoa học; phát triển kỹ năng quan sát, biết suy đoán nhằm tìm ra một kết quả chính xác; có thể vận dụng vào một số hoạt động khác, vào thực tế cuộc sống.

Ba mẹ hãy cùng dõi theo dự án học tập Cánh đồng con của hệ thống giáo dục Lá Phong Xanh để cùng con thực hiện nhiều hơn những thí nghiệm với thực vật tại nhà cùng con ba mẹ nhé!