THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT MÚA RỐI NƯỚC TRONG DỰ ÁN DUNG DĂNG DUNG DẺ

Tháng 8 này các em bé Lá Phong Xanh đến với dự án mang đậm âm hưởng đồng quê “Dung dăng dăng dẻ”. Nằm trong khuôn khổ dự án các cô giáo đã tổ chức cho các bé đi xem biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long nhằm giúp trẻ cảm nhận loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Múa rối nước là 1 loại hình nghệ thuật đã có mặt từ rất lâu đời, gắn liền với các hình ảnh quen thuộc như : thủy đình, chú tễu, mành tre … và nguồn gốc của nó cũng gắn bó mật thiết với nền văn minh lúa nước của nông thôn Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà múa rối nước trở thành một nét văn hóa gian dân độc đáo của người Việt. Điều thú vị của bộ môn nghệ thuật này được thể hiện một cách rõ ràng ngay từ tên gọi “Múa rối nước” – lấy nước làm sân khấu để biểu diễn. Mặt nước, mặt hồ, ao vừa là sân khấu, bối cảnh, vừa là nhân vật bổ trợ cho những con rối biểu diễn dưới sự điều khiển vô cùng khéo léo của những người nghệ nhân.

Mỗi vở rối nước được ví như là đang tái hiện lại 1 đời sống tinh thần huyền ảo trên mặt nước của người dân, vì thế rất dễ thu hút và gây hứng thú cho các em bé khi xem.
Một buổi biểu diễn rối nước hoàn chỉnh là sự kết hợp tâm huyết của nhiều nghệ nhân, nào nghệ nhân sáng tác tích trò, nào nghệ nhân làm quân rối, nào nghệ nhân điều khiển con rối, nào nghệ nhân hát xướng. Nhưng dù ở vị trí nào đi chăng nữa thì nó cũng đòi hỏi kỹ năng và sự nhiệt huyết, đam mê, đồng lòng của các nghệ nhân.
Buổi biểu diễn với nhiều loại hình nhân vật rối nước độc đáo đã khiến các bạn nhỏ vô cùng ngạc nhiên, thích thú, lôi cuốn các bé vào không gian đặc sắc, thỏa thích khám phá những điều mới lạ, từ đó phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật cho bé từ nhỏ. Qua đây các bé được vui chơi giải trí kết hợp “học mà chơi, chơi mà học” nhằm phát triển kĩ năng xã hội cho bé.