HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐỌC SÁCH VIỆT NAM 21/4

Sách là nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Trong tiến trình phát triển, sách đóng vai trò quan trọng, lưu giữ trí tuệ của con người về mọi lĩnh vực trong đời sống. Sách là nhân tố quan trọng giúp con người hình thành và phát triển nhân cách, tâm hồn, trí tuệ. Dạy trẻ cách đọc sách từ độ tuổi mầm non là phương pháp hiệu quả giúp trẻ làm quen với sách, bước đầu hình thành văn hóa đọc đối với trẻ.

Đọc sách đối với lứa tuổi mầm non có ý nghĩa rất quan trọng. Giáo viên cần lựa chọn cách giới thiệu sách phù hợp độ tuổi, kích thích trí tò mò, óc sáng tạo, khám phá để trẻ bị thu hút và tự tìm đến với sách. Việc tiếp cận với sách từ sớm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức và tình cảm, kỹ năng giao tiếp, giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ, cách bày tỏ cảm xúc…Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường rèn cho trẻ thói quen đọc sách mỗi ngày. Trẻ có niềm vui thích và yêu đọc sách, trẻ tập trung nghe hiểu tốt hơn, tạo tiền đề cho trẻ làm quen với chữ cái, kỹ năng đọc cho trẻ chuẩn bị các điều kiện vào học lớp 1.


Nhằm tuyên truyền, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 và ngày sách tôn vinh những giá trị của sách và văn hóa đọc. Trường Mầm non Lá Phong Xanh đã tổ chức Ngày hội đọc sách cho học sinh. Hòa cùng với khung cảnh thiên nhiên dưới dân trường, các bé lựa chọn những quyển sách yêu thích, đọc sách cùng bạn, cùng cô. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc hình thành tình yêu sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Những cuốn sách xinh xắn, những câu chuyện sinh động hấp dẫn đầu tiên đến với trẻ như một đồ chơi đặc biệt. Trong quá trình tương tác với sách, trẻ được hoạt động, được nghe và tập kể lại những câu chuyện thú vị. Và đọc sẽ trở thành nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ. Dần dần tình yêu với sách, thích đọc sách, ham đọc được hình thành.

Trẻ còn nhỏ có thể con chưa biết được những tác dụng của việc đọc sách, chính vì vậy ba mẹ cần kích thích văn hóa đọc của trẻ bằng cách duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày vào những khoảng thời gian nhất định. Tập cho trẻ thói quen “đọc” sách, ý thức giữ gìn bảo vệ sách như một văn hóa phẩm sẽ lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ và có thể dùng lâu dài.