TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Việt Nam – đất nước với nền văn hóa và lịch sử lâu đời nên cũng có những bộ trang phục truyền thống riêng ở mỗi vùng miền và mỗi dân tộc. Trong dự án học tập “Hào khí Việt Nam” của trường Mầm non Lá Phong Xanh, tiết học về Trang phục truyền thống là tiết học được các bạn học sinh mong chờ và vui mừng chào đón.

Những bộ trang phục không đơn giản là đồ dùng để trình diện bên ngoài, mà mỗi chiếc áo lại chứa đựng những giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của từng dân tộc trên đất nước Việt Nam. Từng bộ trang phục lại mang những thông điệp của dân tộc mình, đầy tự hào và thiêng liêng. Để hiểu hơn về trang phục của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, mời các bạn cùng đi theo các hoạt động của trường Lá Phong Xanh.

Chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Kinh thể hiện nét văn hoá, tượng trưng cho cho vẻ đẹp dịu dàng, thướt tha, mà thanh lịch, duyên dáng của người phụ nữ. Áo dài thường được may bằng chất liệu vải lụa tơ tằm, ôm sát cơ thể và có cổ cao, dài qua đầu gối, xẻ tà từ hai bên hông. Quần được may ống rộng và dài chấm gót chân. Trang phục áo dài vừa quyến rũ, vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn tôn lên nét đẹp truyền thống của người con gái Việt Nam. Áo dài nam được may ngắn hơn áo dài nữ, dáng áo hình chữ A, vạt áo rộng kín đáo che khuất những nhược điểm, quần ống rộng cạp chun tạo sự tiện lợi, thoải mái.

Những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc vùng núi phía Bắc thường được khâu, may từ chất liệu Thổ cẩm được dệt từ chính đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ với những chất liệu từ thiên nhiên. Bên cạnh những bộ váy áo thổ cẩm, điểm nhấn của trang phục của dân tộc phía Bắc còn là những chiếc khăn, chiếc mũ được làm khéo léo từ tay của những người phụ nữ tài hoa.

Những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc vùng núi phía Nam thì lại có những cách thiết kế và sử dụng vải khác hơn với những hoạt tiết kín đáo và tối màu. Ví dụ như người Êđê: Nam mặc áo dài trùm mông có xẻ tả hoặc áo dài quá gối có khoét cổ để chui đầu, mang khố. Nữ mặc áo dài tay ngắn thân, có khoét cổ để chui đầu; mang váy hở tương tự như người Ba Na.

Việt Nam của chúng ta là quốc gia đa sắc tộc và đa dạng về văn hóa nên mỗi trang phục cũng có nhiều nét đặc sắc. Chúng ta có thể thấy, ngoài những giá trị sử dụng hằng ngày, mỗi bộ trang phục còn có giá trị thẩm mỹ, cũng là đặc điểm để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Mỗi bộ trang phục cũng như một thông điệp để giải mã về quá trình phát triển của mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, từ đó góp phần tạo nên một vườn hoa đa sắc màu rực rỡ, thể hiện tính đa dạng, phong phú trong trang phục của các dân tộc Việt Nam.