BỒI ĐẮP TÌNH YÊU NƯỚC VÀ LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC THÔNG QUA CÁC DỰ ÁN HỌC TẬP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Vun đắp và phát huy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi học sinh là sứ mệnh, đồng thời cũng là trách nhiệm của các thầy cô. Lòng biết ơn và lòng yêu nước sẽ là gốc rễ nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn, là cái neo níu giữ tinh thần Việt Nam khi các con vươn xa và sánh bước cùng năm châu sau này.

Thế nhưng, học lịch sử thế nào để vừa giúp các con yêu mến và tỏ tường lịch sử dân tộc, vừa giữ nguyên những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời lại vẫn bắt kịp với xu hướng hiện đại hóa, chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, cũng như tạo được niềm hứng khởi và yêu thích nhất định cho học sinh? Đó là một bài toán không hề đơn giản.

Tại trường Liên cấp Lá Phong Xanh – Maple Leaf Academy Bắc Giang, các thầy cô và các bạn học sinh đã dung hòa được điều đó khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào những dự án học tập lịch sử thú vị, giúp các con được nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào dân tộc, đồng thời trau dồi được kỹ năng sử dụng công nghệ và chuyển đổi số, bắt kịp với xu hướng số hóa hiện nay.

Với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, học sinh Lá Phong Xanh được tìm hiểu về lịch sử dân tộc thông qua các dự án học tập. Quá trình thực hiện các dự án lịch sử “Bắc Giang thời báo” và “Bắc Giang trong tôi” đã mang tới cho các con nền tảng kiến thức và động lực cảm hứng tìm hiểu lịch sử nước nhà. Trên tinh thần ấy, hai học sinh lớp 11A1 là bạn Thân Đức Khoa và bạn Trần Ngọc Hân đã cùng nhau tìm tòi và phát triển nâng cấp các dự án đã học thành đề tài nghiên cứu khoa học mang tên: “Giải pháp nâng cao năng lực nhận thức cho học sinh THPT về giá trị của các di tích Lịch sử – Văn hoá tại Bắc Giang thông qua học tập dự án và sáng tạo Flipbook“

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Lịch sử Dương Thúy Hương, cộng với những kiến thức và trải nghiệm thực tế của các bạn khi tìm hiểu về các di tích văn hóa – lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sản phẩm flipbook của các bạn đã trở thành công cụ học lịch sử hữu hiệu, vừa góp phần nâng cao nhận thức về các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa lịch sử địa phương tới các bạn học sinh trong toàn tỉnh, đồng thời vừa áp dụng được những ưu điểm của việc học tập thông qua dự án và sự phát triển của công nghệ vào việc học và nghiên cứu trong nhà trường.

Chưa dừng lại ở đó, học sinh Lá Phong Xanh tiếp tục tìm hiểu những ứng dụng của AI như thuyết minh, đọc lời bình… để nâng cấp sản phẩm flipbook của mình thành bản song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để có thể giới thiệu tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế về lịch sử và văn hóa dân tộc tỉnh Bắc Giang. Đó quả là một thành công lớn trong việc áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào việc học tập và tìm hiểu lịch sử, khơi nguồn niềm yêu thích lịch sử và tinh thần dân tộc trong mỗi học sinh.

Sản phẩm flipbook của học sinh Lá Phong Xanh khởi nguồn từ 2 dự án lịch sử “Bắc Giang thời báo” và “Bắc Giang trong tôi”

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và công nghệ thông tin dường như đã phá bỏ mọi rào cản về không gian và khoảng cách địa lý, giúp việc học tập và tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Chính nhờ sự ưu việt đó, học sinh Lá Phong Xanh đã có những “lớp học không tường” đầy ấn tượng, tận dụng tối đa ưu thế của khoa học kỹ thuật và công nghệ số vào học tập. Trong chuyến dã ngoại tại Đồng Cao, Sơn Động, Bắc Giang, học sinh Lá Phong Xanh đã có cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào việc nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như chơi các trò chơi trí tuệ để hiểu sâu hơn, rõ hơn về vùng đất Sơn Động nơi mình đặt chân đến. Từ đó các con có thêm sự hiểu biết và niềm yêu thích khi tìm hiểu về địa lý, lịch sử, văn hóa của những vùng đất quê hương.

“Lớp học không tường” giúp các con tận dụng tối đa ưu thế của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm và kết nối tri thức

về những vùng đất mới nơi các con được đặt chân đến.

Nếu có dịp ghé thăm trường Liên cấp Lá Phong Xanh, hẳn thầy cô và học sinh nhà trường sẽ giới thiệu với khách thăm quan những sản phẩm mà các con có được khi thực hiện các dự án lịch sử. Đó là những tấm infographic với chủ đề “Cách mạng Tháng Tám – tầm vóc vĩ đại” mà các bạn được học trong dự án “Dấu ấn thời đại”. Để cho ra đời những thành phẩm này, các bạn học được cách làm chủ những phần mềm thiết kế để phục vụ cho việc học tập của mình, đồng thời có thêm một phương pháp ghi nhớ kiến thức lịch sử một cách đầy chủ động và thú vị.

Học sinh Lá Phong Xanh thuyết minh về sa bàn lịch sử và các thiết kế infographic trong dự án “Dấu ấn thời đại”

Đó cũng là những bản thu hoạch là các video do học sinh tự quay chụp, tự dàn dựng, tự chỉnh sửa, thu âm, lồng tiếng… để thuyết trình về các chuyến đi thực tế tại các di tích lịch sử, các địa danh và các danh nhân mà các con có cơ hội được tìm hiểu.

Như vậy, quá trình hoàn thiện những dự án lịch sử chính là quá trình các học sinh Lá Phong Xanh được bồi dưỡng tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Đồng thời là cơ hội để các con tiếp cận và phát huy khả năng thích ứng với công nghệ thông tin, công nghệ số, sẵn sàng ứng dụng một cách có hiệu quả việc chuyển đổi số vào việc học tập, đặc biệt khơi gợi niềm hứng thú và tạo nên phương pháp học tập mới mẻ, hiệu quả đối với môn lịch sử.

Hy vọng rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào việc học lịch sử giống như cách làm của trường Lá Phong Xanh sẽ ngày một nhân rộng, để học sinh thêm tình yêu với môn học giàu truyền thống dân tộc này, đồng thời vẫn cập nhật bắt kịp với xu thế của công dân số trong tương lai.