Kỷ luật tích cực là công cụ đắc lực cho các bậc phụ huynh thời hiện đại trong hành trình giáo dục sớm cho con. Kỷ luật tích cực được biết đến là một phương pháp giáo dục giúp xây dựng mối quan hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ dựa trên sự tôn trọng và hợp tác, thay vì trừng phạt và kiểm soát. Kỷ luật tích cực chú trọng việc hướng dẫn trẻ phát triển hành vi đúng đắn, không bạo lực và tôn trọng con trẻ. Đây được coi là một phương pháp giảng dạy để giúp trẻ thành công, cung cấp cho trẻ thông tin và hỗ trợ sự phát triển của trẻ.
Giai đoạn trẻ lên 3 tuổi – giai đoạn “khủng hoảng” nhiều nhất của trẻ lại đặc biệt cần đến “kỷ luật tích cực” bởi phương pháp này giúp trẻ học cách tự kiểm soát cảm xúc và hành vi, xây dựng mối quan hệ tin tưởng giữa trẻ và người lớn. Khi áp dụng kỷ luật tích cực tại nhà, ba mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc cơ bản để áp dụng hiệu quả:
- Thấu hiểu tâm lý trẻ
Kỷ luật tích cực phát huy những ưu điểm khi áp dụng với trẻ lên 3. Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về mặt cảm xúc và hành vi. Con trẻ thể dễ dàng bị kích động hoặc có thể xuất hiện một số hành vi là không phù hợp. Ba mẹ cần nắm bắt những điều này, quan sát sự phát triển của trẻ, từ đó giúp đỡ, hướng dẫn và đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn này thay vì phản ứng tiêu cực.
Trẻ lên 3 đang trong quá trình hình thành tâm lý nên ba mẹ cần linh hoạt áp dụng kỷ luật tích cực thay vì la mắng hay trách phạt
- Thiết lập các quy tắc rõ ràng và nhất quán
Trẻ lên 3 đã dần hình thành tính cách, khả năng ngôn ngữ và nghe hiểu của con cũng dần hoàn thiện. Vì vậy ba mẹ cần có những hướng dẫn rõ ràng về điều gì là đúng và sai. Các quy tắc cần đơn giản và nhất quán để trẻ có thể ghi nhớ. Đồng thời chỉ nên tập trung vào hành vi của con để giải thích. Ví dụ: “Chúng ta không ném đồ chơi, chúng ta cất dọn đồ chơi đúng chỗ sau khi đã chơi xong”
- Khen ngợi và khích lệ
Trẻ em cũng như người lớn, những lời động viên khen ngợi sẽ kích thích hành vi tích cực của con. Ba mẹ đừng tiết kiệm lời khen hãy ghi nhận và khen con dù là nhỏ nhất, điều này giúp con cảm thấy tự tin và muốn tiếp tục hành vi tốt. Ví dụ: “Mẹ thấy con đã biết xếp đồ chơi lại đúng chỗ rồi, con là em bé ngoan hãy luôn phát huy con nhé!”
Khen ngợi – Khích lệ – Đồng hành là chìa khóa quan trọng để thực hiện “Kỷ luật tích cực” thành công
- Time-out và luôn hướng dẫn giải thích cho con
Kỷ luật tích cực còn thể hiện trong trường hợp: Trẻ em làm sai điều gì đó, thay vì la mắng, có thể cho con thời gian “tạm dừng” (time-out) để bình tĩnh lại. Điều này không phải là trừng phạt mà là cơ hội để trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Sau khi con đã bình tĩnh, ba mẹ dành thời gian giải thích lý do vì sao điều đó không đúng. Ví dụ: “Con không nên la hét trong tháng vì con có thể làm phiền những người xung quanh.
- Tạo ra những phương án để trẻ tự lựa chọn
Trong một số tình huống, ba mẹ nên đưa ra những lựa chọn giúp trẻ cảm thấy mình có quyền quyết định và tự do trong khuôn khổ. Ví dụ: “Hôm nay đến trường, con muốn mặc đi dép hay đi giày?
- Kiên nhẫn và giữ bình tĩnh không dùng bạo lực
Trẻ 3 tuổi thường có thể hành động theo cảm xúc và đôi khi là khó hiểu.Ba mẹ cần kiên nhẫn và đặt mình vào vị trí của trẻ, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của chúng. Đặc biệt ba mẹ cần cần giữ bình tĩnh và không phản ứng bằng cách la mắng hay đánh trẻ. Điều này sẽ tạo nên vòng lặp tiêu cực và khiến trẻ học theo hành vi bạo lực.
Mỗi em bé đều có một cá tính riêng, ba mẹ hãy kiên nhẫn và đồng hành cùng con mỗi ngày nhé!
- Đồng hành cùng con sửa chữa những sai lầm
Khi trẻ mắc lỗi, thay vì trách mắng, trừng phạt, ba mẹ hãy giúp con bằng cách hướng dẫn con những điều đúng đắn, học cách khắc phục sai lầm. Ví dụ: nếu trẻ làm đổ nước, hãy hướng dẫn trẻ lấy khăn để lau sạch.
Làm cha mẹ là một cuộc hành trình đầy hân hoan, hạnh phúc cũng như khó khăn. Trong quá trình sinh con, nuôi dưỡng con trưởng thành và dạy con tất cả những điều con cần để con có một cuộc sống hạnh phúc và thành công quả là một thách thức rất lớn. Vì vậy ba mẹ luôn cần kiên nhẫn, thấu hiểu và luôn giữ thái độ kiên nhẫn trong quá trình giáo dục trẻ. Để mỗi em bé và ba mẹ đều có những hành trình hạnh phúc khi nuôi dạy con.