Những em bé trong lứa tuổi từ 0 – 6 tuổi, các hoạt động thể chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để em bé phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực. Tuy nhiên xu hướng của các gia đình hiện nay lại chưa thực sự quan tâm, hiểu đúng về tầm quan trọng của các hoạt động vận động thể chất mà thường chỉ quan tâm đến việc học tập và dinh dưỡng của các con.
Vậy để các em bé phát triển cân đối và toàn diện về cả thể chất và tinh thần, Lá Phong Xanh gợi ý ba mẹ một số nội dung để có cách hiểu đúng về Hoạt động thể chất cho con những năm tháng đầu đời:
- Vì sao hoạt động thể chất rất quan trọng với trẻ mầm non?
Khi trẻ em thường xuyên rèn luyện thể chất và giáo dục phù hợp sẽ mang lại cho trẻ rất nhiều lợi ích như:
- Phát triển hệ xương, các nhóm cơ, tim phổi… giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư…
- Rèn luyện khả năng phối hợp, thăng bằng, nâng cao kỹ năng tập trung và linh hoạt
- Giúp trẻ cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc và tự tin
- Giúp trẻ giải phóng và cân bằng năng lượng, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn
- Trẻ học được sự hòa đồng, chia sẻ và kết nối với các mối quan hệ xung quanh
2. Một số hoạt động thể chất gợi ý dành cho trẻ
Trẻ em trong lứa tuổi nhà trẻ (từ 1-3 tuổi)
Ở lứa tuổi này, các chuyên gia khuyến nghị trẻ nên hoạt động thể chất ít nhất 3 giờ mỗi ngày, bao gồm hoạt động thể chất được người lớn như mẹ hoặc cô giáo hướng dẫn và hoạt động thể chất tự do: con trẻ tự vui chơi.
Trẻ ở độ tuổi này đang trong thời điểm phát triển hoạt động đi và chạy rất tốt, cha mẹ cần đảm bảo tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành và xây dựng các kỹ năng này thông qua vận động và vui chơi như:
- Vượt chướng ngại vật: Cha mẹ có thể đặt những chướng ngại vật trong nhà hoặc ngoài sân như tấm đệm, thùng carton,… Người lớn có thể ngồi trên mặt đất và để trẻ bước/nhảy qua hai chân, hoặc làm cầu bằng thân mình và để trẻ chui xuống dưới…
- Chơi với cát giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh của đôi bàn tay rất hiệu quả
- Nhảy múa theo điệu nhạc hoặc vẽ, múa rối cũng khiến trẻ rất hứng thú
- Các môn thể thao phát triển sức khỏe, sức bền và sự thăng bằng, trẻ 2 tuổi có thể thích đá bóng, nhảy tại chỗ, còn trẻ 3 tuổi có thể luyện tập giữ thăng bằng bằng 1 chân, tung và bắt bóng, đạp xe 3 bánh…
Trẻ em trong lứa tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi)
Trẻ mẫu giáo được khuyến nghị nên hoạt động thể chất ít nhất ba giờ mỗi ngày, trong đó có ít nhất 1 giờ chơi tự do tràn đầy năng lượng với các hoạt động vui chơi không cần người lớn hướng dẫn.
Ở thời điểm 3-5 tuổi, các kỹ năng thể chất cơ bản như chạy, nhảy, đá và ném đã trở nên rất quen thuộc với trẻ, các con sẽ tiếp tục hoàn thiện để học những kỹ năng phức tạp hơn. Cha mẹ nên tận dụng xu hướng hiếu động tự nhiên của trẻ ở lứa tuổi này để tạo những hoạt động thể chất thường xuyên, thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng sự tự tin cho trẻ như:
- Nhảy lò cò, nhảy tiến về trước/lùi về sau, giữ thăng bằng 1 chân, bắt bóng, nhào lộn…
- Bơi lội, nhảy múa, đi xe ba bánh…
- Trẻ mẫu giáo có thể hoạt động thể chất tích cực ngay cả khi chỉ ở trong nhà, nếu có điều kiện, cha mẹ nên có một khu vực vui chơi an toàn để trẻ thỏa thích vui chơi và vận động.
- Trò chơi truy tìm kho báu với chiến lược giấu “kho báu” khắp nhà và cung cấp manh mối về vị trí của chúng để trẻ đi tìm vừa mang lại nhiều niềm vui vừa tạo cơ hội cho trẻ vận động một cách hiệu quả.
- Vượt chướng ngại vật, bowling và các trò chơi với bóng.
3: Lưu ý khi tổ chức các hoạt động thể chất cho trẻ
a. Tạo cho trẻ hứng thú khi tham gia: Ba mẹ dành thời gian cho những hoạt động vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực bởi trẻ em sẽ chỉ làm những hoạt động mà các con cảm thấy thích. Ví dụ: thay vì đi bộ cả đoạn đường, ba mẹ có thể chuẩn bị một quả bóng để con chạy nhảy chơi với bóng hoặc đá bóng ….
b. Chọn các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, cũng như phù hợp với kỹ năng phát triển của cá nhân từng trẻ như đã gợi ý ở trên.
c. Mang lại cho trẻ nhiều cơ hội vận động đa dạng: Con trẻ trong độ tuổi này luôn ngập tràn đầy năng lượng nên nếu các hoạt động thiếu đa dạng, trẻ cũng sẽ không phát triển được hết sự tích cực hoạt động của mình. Ngoài ra, khoảng thời gian trẻ được tự do vui chơi, tự đưa ra quyết định mà không có sự chỉ dẫn của người lớn cũng rất cần thiết – tất nhiên cần được ở trong một môi trường an toàn và được giám sát.
d. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ đóng vai trò rất quan trọng: Trẻ luôn theo dõi cách mà cha mẹ sử dụng thời gian của mình, vậy nên cha mẹ cần trở thành một tấm gương tốt trong việc hoạt động thể chất. Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần có sự giám sát chặt chẽ, vừa có kỷ luật đi kèm với tình yêu thương đối với trẻ đang ở lứa tuổi mầm non – lứa tuổi ham khám phá, tò mò nhưng lại chưa có được nhiều kiến thức và hiểu biết về sự an toàn và các mối nguy hiểm.
Trẻ rất cần có cha mẹ hiện diện trong các hoạt động thể chất của mình, vừa để hướng dẫn, giáo dục, vừa để truyền cảm hứng và đồng hành. Các hoạt động thể chất cần được tổ chức một cách khoa học, giúp trẻ hình thành những kỹ năng cơ bản, xây dựng lối sống lành mạnh để trẻ có được sự phát triển hài hòa hơn trong học tập và trong cuộc sống.