TRƯỚC, TRONG VÀ SAU THIÊN TAI: BA MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON CHUẨN BỊ VÀ ỨNG PHÓ?

thiên tai, thảm hoạ - giúp trẻ chuẩn bị và ứng phó

Khi có thảm họa xảy đến, trẻ em dễ cảm thấy lo lắng, hoảng loạn hơn người lớn. Tuy nhiên, các em cũng có khả năng tự hồi phục nếu được bảo vệ đúng cách và được tham gia vào quá trình tái thiết, chuẩn bị trước – trong và sau thảm họa.

5 suy nghĩ và cảm xúc của trẻ trong thảm họa

Thiên tai và thảm hoạ diễn ra không chỉ để lại những tác động về mặt kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và cảm xúc của các bạn nhỏ dưới 18 tuổi. 

35 nghiên cứu đã được thực hiện cùng với nguồn dữ liệu khổng lồ thu thập từ thanh thiếu niên và trẻ em trên nhiều quốc gia khác nhau đã tìm ra 5 phát hiện quan trọng về cảm xúc và suy nghĩ của trẻ em khi trải qua thiên tai và thảm hoạ đó là:

Trải qua thảm họa, các em đối mặt với nhiều khó khăn về mặt cảm xúc. Phần lớn là cảm giác sợ hãi, lo âu và buồn bã, liên quan trực tiếp đến an toàn của chính các em và bình an, hạnh phúc của cả gia đình. 

Các em tự nhận thấy cuộc sống của mình bị đảo lộn: mất đồ dùng học tập, vật dụng sinh hoạt và thú cưng, bị hư hại nhà cửa,… khiến quá trình phục hồi cảm xúc của trẻ trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến khả năng tập trung vào việc học và việc quay trở lại quỹ đạo sống thường nhật.

Chứng kiến phản ứng và cảm xúc của người lớn trong thảm họa, tâm lý của các em cũng bị ảnh hưởng. Những cảm giác như buồn bã, bấn loạn, mất bình tĩnh đến từ môi trường xung quanh có thể làm trầm trọng hơn sự đau khổ, lo lắng và buồn bã của các em, khiến các em cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh. 

So với các bạn nữ, bạn nam có xu hướng can đảm hơn, trong khi các bạn nữ có thể gặp tình trạng mất ngủ và tâm lý không muốn quay trở lại trường sau khi trải qua những sự kiện đau buồn. 

Đáng mừng là các em có khả năng tự phục hồi về mặt tinh thần và chủ động giúp đỡ người lớn sau thảm họa. Việc chủ động tham gia vào quá trình giúp đỡ, hỗ trợ, khắc phục khó khăn sau bão sẽ mang lại những cảm giác tích cực về bản thân cho các em, như cảm giác mình là người có ích, sống có ý nghĩa và mang lại giá trị. 

Ba mẹ có thể đọc thêm các thông tin về nghiên cứu này tại: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2212420924002577 

Dựa trên những nghiên cứu sâu sắc trên, ba mẹ và người lớn trong nhà có thể đem lại cho trẻ những sự chuẩn bị tốt nhất về mặt tâm lý và cảm xúc trong, trước và sau thảm họa. 

Trước khi thảm họa xảy ra, người lớn cần làm gì cho trẻ?

thảm hoạ và thiên tai: Chuẩn bị và ứng phó
Những thông tin ba mẹ nên chia sẻ với trẻ nhằm kiểm soát lo lắng và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ

Nếu thảm họa được dự báo trước, ba mẹ nên giúp trẻ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt bằng cách trò chuyện thẳng thắn và cởi mở về những gì sắp diễn ra. Trong thời đại bùng nổ thông tin, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ chọn lọc thông tin đáng tin cậy, phù hợp với lứa tuổi, và tránh để trẻ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực, thiếu cơ sở hoặc mang tính hù dọa.

Việc trò chuyện cũng là cơ hội để ba mẹ chia sẻ lo lắng với trẻ, đồng thời trấn an và giúp trẻ tin rằng mọi chuyện sẽ ổn. Ba mẹ nên nhấn mạnh rằng, mặc dù thảm họa là điều không thể tránh, cả gia đình đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đối phó.

Trước khi thảm họa xảy ra, ba mẹ hãy chuẩn bị tinh thần cho trẻ một cách toàn diện. Đối với trẻ nhỏ, thông tin cần được chọn lọc cẩn thận, trong khi trẻ lớn nên biết thêm nhưng không nên quá phóng đại mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Trong và sau khi thảm hoạ diễn ra, người lớn cần làm gì cho trẻ?

– Giữ bình tĩnh và sát lại bên nhau

Điều quan trọng nhất khi thảm hoạ diễn ra đó là người lớn và các thành viên trong gia đình như ba mẹ, ông bà cần giữ bình tĩnh và tinh thần tích cực nhất có thể. Đặc biệt là khi có sự hiện diện của trẻ. Tuy nhiên, việc đánh mất bình tĩnh khi thiên tai, thảm hoạ ập đến là điều dễ hiểu và khó tránh khỏi.

Người lớn cũng không nên tự trách mình nếu chưa thể là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho trẻ. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh, cởi mở chia sẻ với trẻ về những gì đã diễn ra bao gồm cả những tổn thương về mặt tâm lý, để cùng nhau vượt qua. Sự chân thành và sát lại bên nhau sẽ giúp các thành viên trong gia đình có thêm sức mạnh.

– Hướng trẻ đến những hành động tích cực

Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động khắc phục hậu quả sau thảm hoạ như dọn dẹp, sửa chữa, giúp đỡ ba mẹ, ông bà và những người xung quanh.

Ba mẹ cũng đừng quên dành cho trẻ những lời khen ngợi và sự ghi nhận trước những việc làm tốt, những hành động tích cực của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ sớm phục hồi tinh thần và nhận thức được giá trị của những việc mình đang làm.

thảm hoạ và thiên tai: Chuẩn bị và ứng phó
Ba mẹ nên hạn chế tối đa việc cho trẻ trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng tàn khốc khi thảm hoạ diễn ra

 – Bảo vệ trẻ khỏi việc chứng kiến những cảnh tượng thảm khốc

Những cảnh tượng tàn khốc mà thảm họa hay thiên tai mang đến rất khó kiểm soát. Đó là khoảng thời gian tối tăm và khó khăn với tất cả mọi người, đặc biệt khi họ là những người trực tiếp chứng kiến.

Nhưng dễ tổn thương hơn cả chính là trẻ em. Vì thế, ba mẹ hãy cố gắng bảo vệ trẻ khỏi việc phải tiếp xúc hoặc chứng kiến trực tiếp những cảnh tượng tiêu cực một cách tối đa. Điều này sẽ giúp cho quá trình phục hồi tâm lý của trẻ diễn ra thuận lợi hơn, nhờ đó trẻ sẽ sớm quay trở về với cuộc sống bình thường. 

Ba mẹ tìm hiểu thêm về cách ứng phó và chuẩn bị cho trẻ trước khi thảm hoạ, thiên tai xảy đến tại đây: ​​https://www.cdc.gov/childrenindisasters/children-disaster-help.html 

Ba mẹ có thể đọc thêm về hoạt động thiện nguyện có sự tham gia của các bạn nhỏ mầm non Lá Phong Xanh sau siêu bão Yagi tại đây: https://mapleleaf.edu.vn/mla-trang-am-2024-mua-trang-thien-nguyen-tu-tam/